Thursday, March 17, 2016

Lưu văn Thăng - Sáu mươi năm kỷ niệm

Oregon, ngày 15 tháng 3 năm 2016




                      Sơn trước cổng trường Ecole de l’Air Salon

Vừa đọc xong bài viết “tôi và bệnh ung thư” của Sơn, tôi bàng hoàng sửng sốt.  Không thể tin được người bạn vừa nhìn thấy trên những tấm hình do bạn Lý Đãi gởi đến vài tuần trước đây nay đã đến những ngày cuối của cuộc đời?  Người tôi tê đi trong nỗi buồn khó tả.  Tôi chụp điện thoại gọi cho Sơn để kiểm chứng.  Không trả lời.  Thường thường khi tôi gọi Sơn để thăm hỏi, tôi không để lại lời nhắn, nhưng sau khi biết tôi gọi, Sơn đều trả lời.  Tôi chờ đợi.  Đó là ngày 9/3/2016.  Hôm sau tôi nôn nóng lại gọi Sơn, nhưng lần này tôi dùng FaceTime của IPad để gọi. Vẫn không có trả lời.  Tôi tắt máy lòng bồn chồn khó tả. Bổng nhiên có tiếng chuông reo, tôi vội đến để trả lời nhưng chuông đã tắt.
 Tôi biết Sơn đã gọi lại cho tôi.  Tôi vội bấm máy và bên kia Sơn trả lời.  Trên màn hình tôi thấy Sơn đang nằm trên chiếc giường nệm gối trắng tinh, có hai dây nylon dẫn ốc xy vào mũi.  Sau vài lời thăm hỏi tôi đề cập đến những tấm hình chụp Sơn trong bửa tiệc tân niên trông linh hoạt, khỏe mạnh.  Sơn hỏi tôi: ”toa đã đọc bài viết của moa chưa?”Tôi nói đã.  Sơn nói “thế thì không còn gì để nói nữa”.  Tôi vẫn hỏi thêm “Sơn có muốn bạn bè đến thăm viếng không?”Sơn cho biết là không vì mệt.  Bà vợ tôi đứng gần đó xen vào nói vài lời thăm Sơn và Sơn nói “người bệnh thăm người bệnh”.  Sơn biết bà vợ tôi cuối năm 2015 đã hai lần ra vào bệnh viện nên nói như thế.  Tôi thấy Sơn mệt nên nói lời chia tay nghĩ rằng thời gian sáu tháng cũng sẽ cho tôi cơ hội nói chuyện lại với  Sơn.  Nhưng than ôi, sáng hôm sau ngày 11 tháng 3 năm 2016 tôi được một người bạn cho biết Sơn đã ra đi lúc 3 giờ sáng rồi. Tôi sửng sờ.  Sao nhanh thế?  Bác sĩ nói có thể đến sáu tháng mà nay mới được có 10 ngày.  Tôi điện thoại cho Cương, con trai út của Sơn, Cương cho biết hai cha con đã nói chuyện rất lâu, Sơn dặn dò mọi thứ, sau đó thanh thản ra đi.  Thương tiếc cho người bạn thân thương đã ra đi quá nhanh, trách trời cao quá độc, nhưng nghĩ lại cho cùng thì thấy Sơn đã được ân huệ lớn lao khi về với cát bụi, thân xác không bị hành hạ đau đớn kéo dài trên giường bệnh.
Sơn có rất nhiều bạn và bạn thân.  Có lẽ tôi có cái duyên nên đã được nói chuyện cùng Sơn trước giờ Sơn ra đi vĩnh viễn. Tôi hân hạnh,  trân quý một tình bạn chân thành, tương kính và lâu dài hơn sáu mươi năm qua.
Tuy Sơn và tôi cùng khóa nhưng học hai lớp khác nhau cho đến năm 1953-54 mới học cùng lớp Đệ nhị B2.  Sơn là một học sinh đứng đắn và suất sắc nhất lớp.  Chúng tôi quen và thân nhau từ đó.  Năm 1955 Sơn thi đậu vào lớp kỷ sư cơ khí Hải Quân Brest (Bắc Pháp) và tôi cùng nghề cơ khí Không Quân Salon (Nam Pháp).  Chúng tôi thường xuyên thư từ cho nhau, gặp gở, để cùng nhau rong ruổi trên các nẽo đường nước Pháp.  Paris những chiều se lạnh, cùng chung bước hằng giờ trên đường khuya vắng vẻ, nhâm nhi những hạt dẻ rang thơm phức, chúng tôi như một cặp tình nhân trong một tiểu thuyết lãng mạng, nhưng lại là hai người bạn chân thành đang tâm tình khi xa quê hương đất nước.  Nice (Pháp) vào mùa hè, chúng tôi cùng bơi lội trong nước ấm áp biển Địa Trung Hải để rồi lên bờ ngồi ngắm những cô nàng mặc bikini phơi nắng...
Cuối năm 1957 Sơn và tôi cùng trở về đất nước.  Sơn ở Nha Trang và tôi về Đà Nẳng.  Bẳng một thời gian, chúng tôi đều lo công việc, gia đình, con cái nên không có cơ hội gặp nhau cho đến khi tôi được đổi về Nha Trang và từ đó chúng tôi nối lại tình bạn thân mật ngày xưa.
Nha trang hiền hòa, xinh đẹp.  Bạn bè Khải Định ở đây thường tổ chức những buổi họp mặt để trò chuyện, ăn uống và cũng để thắt chặt mối quan hệ với bạn bè trường cũ.  Có khá đông những cựu học sinh Khải Định tham dự như Sơn, Bút, Đệ, Lý, Trương, Tâm (Tám), Gia... Chị Gia luôn có những món ăn tuyệt vời.  Ngoài việc tụ họp ăn uống, Sơn tuy rất bận rộn với công việc, thỉnh thoảng cũng đến nhà tôi để chơi mạt chược cuối tuần.  Sơn thất thích tắm biển.  Có lần Sơn nói với tôi là vừa đi tắm đêm hôm qua , nước rất mát.  Tôi thấy hơi nguy hiểm khi tắm biển ban đêm nhưng không nói gì vì biết Sơn bơi giỏi.  Chắc nhờ bơi giỏi và quyết tâm đương đầu với nguy hiểm, tính toán sắc bén nên trong lần vượt biên năm 1977 Sơn đã nhảy xuống biển bơi sang tàu hàng của Nhật để xin cấp cứu.  Đó là một hành động dũng cảm mà tôi chưa bao giờ nghe Sơn nói đến.
Cuối tháng ba năm 1975, tình hình ở Nha Trang trở nên tồi tệ, Sơn lo cho gia đình chúng tôi di tản về Saigon bằng đường thủy trên chiếc tàu của chị Từ Uyển đang đậu tại bến cảng Nha Trang.  Không có ai trong gia đình Sơn đi trong chuyến tàu này ngoài cô em của chị Phương Thảo, sau này là em dâu của tôi.  Tôi nghĩ Sơn quyết định ở lại để chung chịu tang thương của đất nước. Hai năm sau tôi đươc tin Sơn đã vượt biên thành công và đã đến xứ Mỹ.  Thung là bạn cùng vượt biên với Sơn đã đến Longview tiểu bang Washington chỉ cách nơi chúng tôi ở khoảng hơn một giờ lái xe.  Tôi nhờ một người bạn Mỹ cùng đến đón Thung về tạm trú tại nhà chúng tôi.
Thời gian trôi qua.  Nhóm cựu học sinh 48-55 được thành lập, tập san 48-55 Khải Định ra đời, tất cả đều nhờ sự hoạt động tích cực của Sơn và Quỳnh Tiêu.  Ngày nay hoạt động của nhóm và tập san 48-55 là niềm tự hào chung của chúng ta.  Sơn luôn rủ tôi đi họp và nhắc nhỡ viết bài cho tập san.  Sơn là người bạn chí tình.  Khi vợ tôi bị bênh ung thư, ngoài chuyện thăm hỏi thường xuyên, Sơn còn  mua cuốn sách về thuốc Fucodan gởi cho chúng tôi để xem có giúp được gì không?  Sơn đã nhiều lần đến thăm chúng tôi ở Beaverton Oregon, lần thì có Cao văn Duy sang, cùng thăm chị Bích Quy (chị của Duy) bệnh nặng ở Seattle, và lần sau cùng đi với bạn Tôn thất Phú để có được mấy ngày chơi tứ sắc thỏa thê.  Dưới sự sắp xếp của Sơn, chúng tôi đã cùng Vương hữu Cáp, Lý Đãi, Hồng giũ Lưu đi thăm Phi Luật Tân, ở tại nhà bạn Trương Quang Cảnh. Chúng tôi được bạn Cảnh hướng dẫn đi Manila, thăm những thắng cảnh và thích nhất là những ngày vui chơi ở vùng biển Boracay xinh đẹp.
Những lần về nam Cali đi họp của nhóm 48-55 Khải Định, chúng tôi luôn được Sơn mời đến nhà, đưa đi họp, đi chơi.  Ở nhà Sơn nấu cho chúng tôi ăn, nhường lại chiếc giường chính cho chúng tôi trong khi Sơn đem chiếc ghế bố nằm bên cạnh. Trong lần họp đại hội tháng 7 năm 2015 vừa qua, Sơn và chúng tôi được mời đến nhà bạn Lý Đãi ở lại cùng bạn Trương Quang Cảnh từ Phi Luật Tân đến. Anh chị Lý Đãi rất hiếu khách, đã nhiều lần mời chúng tôi đến ở lại nhà.  
Một sự kiện rất đặc biệt đối với tôi là năm 2011 trong một chuyến du lịch qua Pháp, Sơn đã tìm đến đứng trước cổng trường không quân Salon (Hình 1), nơi tôi thụ huấn khóa 1955-57, để chụp tấm hình gởi cho tôi làm kỷ niệm.  Tôi rất cảm động, Sơn đã hết lòng với bạn bè.


                                Phú Thăng Sơn tại Oregon

Hơn sáu mươi năm tình bạn thắm thiết đã để lại cho chúng tôi nhiều thương nhớ.  Sơn ra đi, đã để lại nhiều luyến tiếc sâu xa, một sự mất mát to lớn không riêng gì cho chúng tôi, cho nhóm Khải Định 48-55, cho bạn bè, học sinh khắp năm châu và có lẽ cho cã cộng đồng người Việt hải ngoại nữa.
Vĩnh biệt bạn.

No comments:

Post a Comment