Wednesday, June 22, 2016

BÊN KIA BỜ - HUỲNH NGỌC NGA

Phải chi tôi khóc được hay làm một cái gì đó trước tin anh chết để tỏ sự đau đớn của tôi, của một người bạn viết chưa từng diện kiến, đối lời. Nhưng tôi chỉ nghe mình bất động, đông cứng ý, rỗng không đầu óc và miệng tôì thì lẫm bẫm “Chết rồi sao? Mới đó mà. Chết rồi sao? Mau quá vậy?”.
Vâng, mau thật. Từ lúc chị Nguyên Hạnh Hoàng thị Doãn gữi thư mail báo tin anh bịnh đền lúc cũng chính chị cho biết anh đã vĩnh viễn ra đi chưa đến một tuần mà. Tôi mới viết thư động viên tinh thần anh hai ngay qua và còn đang chờ hồi âm của anh như những lần tôi viết và anh luôn tử tế trả lời. Vậy mà ông anh hiền lành của tôi,  người bạn viết của bạn đọc Viên Giác giờ không còn nữa, anh đã bỏ tất cả để đi khi tin yêu cuộc đời vẫn còn đó, nghiệp chữ nghĩa vẫn còn kia.  



…Ngày đó, cách đây hơi lâu, khoảng năm 2008, khi quyển sách Những Cây Bút Nữ Viên Giác ra đời, tôi được dịp gặp gỡ tất cả các chị em trong nhóm tác giả, chị Doãn là bà chị đầu đàn sau đó đã giới thiệu qua mạng e-mail một người bạn thời Trung học của chị, hiện là một cây bút được nhiều người biết đến trên diễn đàn truyền thông bên kia trời Mỹ quốc: nhà văn, nhà bình luận, nhà sưu khảo Trần Bình Nam. Tôi không có cơ duyên cùng anh gặp gỡ như cô bạn Hoa Lan khi anh du hành sang Đức trong chuyến viếng thăm châu Âu sau đó nhưng tôi cũng như các bạn bút nữ trong nhóm vẫn thường xuyên nhận bài riêng anh gữi qua thư điện tử. Mỗi lần như thế tôi đều viết hồi đáp cám ơn và thỉnh thoảng có đôi lời đàm luận cùng anh, anh ưu ái trả lời tôi như một ngưòi anh tốt bụng luôn hướng dẫn, giúp đỡ tận tình người em cần học hỏi. Thấy anh tử tế, tôi nhiều lúc cũng gữi bài viết để chia sẻ chữ nghĩa cùng anh và thật bất ngờ, anh đem các bài đó chuyển cho những tờ báo quen để giới thiệu.Vì thế bài viết của tôi nhờ anh mà có bài đã được chu du trên các báo Việt bên Mỹ, tôi vui trong niềm vui được “bay bỗng” đó đây, anh hỉ hạ lây với cái vui của người bạn xa chưa từng biết mặt. Anh em tôi cứ như thế mà thư đi, tin lại trong phạm vi chữ nghĩa, văn chương; những lần Tết đến thì thiệp chúc xuân ân cần trao đổi, anh ân cần không những với tôi mà còn với tất cả những ai anh quen biết qua tờ báo Viên Giác tận trời Âu nầy. 


Vậy mà thật bất ngờ, tuần trước đây nhóm Bút Nữ chúng tôi cũng như Thầy Phương Trượng và anh chị chủ bút Phù Vân được chị Doãn gữi mail một bài của anh tự viết về căn bịnh hiễm nghèo mà anh vướng pải từ nhiều năm qua, bịnh ung thư bàng quang, anh còn cho biết đã đến giai đoạn cuối và bác sĩ cho hay chỉ còn sáu tháng ngắn ngủi anh ở lại với cuộc đời nầy. Tôi và mọi người thảng thốt. Riêng tôi, tin tức đó khơi dậy nổi đau chưa nguôi ngoai mà tôi và gia đình các chị em tôi đã cam chịu gần hơn năm tháng trước khi em gái tôi, đứa em thứ bảy trong nhà, đứa em đã gồng gánh bảo lãnh cả gia đình tôi sang Ý đoàn tụ hơn ba mươi năm qua, em tôi cũng vì bịnh ung thư mà vĩnh viễn ra đi, nhanh như gió thoảng chỉ sau hai tuần vào bịnh viện cứu cấp. Tôi nhớ những ngày cuối cùng nhìn em tôi oằn oại đau, cái đau bị sự hành hạ của những con vi trùng quái ác; nhớ những giọt nước mắt của má tôi khi làm tre già khóc cội măng non lúc em tôì mất mà chưa kịp thổi nến mừng sinh nhựt sáu mươi của nó. Và tháng vừa qua, bác sĩ gia đình của tôi, một ông bác sĩ tận tụy vì đời, vì người, ông cũng đã nhanh chóng ra đi trước sự ngỡ ngàng của những bịnh nhân đang cần sự chữa trị của ông, là bác sĩ nhưng ông không cứu được ông khi bịnh ung thư gan đã chọn ông làm điễm hoành hành, ông cũng mất khi chẳng chờ thêm một năm nữa để được con cái mừng câu lục thập. Những biến động chung quanh tôi khiến tôi thảng thốt lo sợ khi hay tin anh cũng lâm vào con bịnh mang tên chẳng khác một bản án tử hình. Biết làm cách nào đây khi tôi chỉ là một người vô tích sự, chỉ còn cách cầu nguyện và viết thư khích lệ tinh thần anh thôi. Và tôi đã viết, một lá thân chân tình với câu “còn nước, còn tát”, với những kinh nghiệm nhỏ nhoi chung quanh mà tôi nghe, thấy được từ những người thân chung quanh. Tôi cũng thấy thư thăm hỏi của các bạn bút nữ của tôi ân cần đóng góp và nhất là thư của Hoà thượng Phương trượng chân thật nguyện cầu, góp ý để anh an lạc vui những ngày cuối của cuộc đời bên cạnh người thân.

Vậy mà, trời ơi, đất hởi, người đâu? Chưa đầy ba ngày sau cũng chính chị Doãn đã chuyển thư con trai anh báo tin anh đã lìa đời, sáu tháng dài chỉ thu gọn trong đôi ba ngày ngắn ngủi thôi sao? Vẫn biết cuộc đời ai cũng có lần đến để có lần đi, vẫn biết anh ra đi ngoài tuổi thất thập cổ lai hy là điều an ủi nhưng tôi vẫn thấy bàng hoàng. Cái chết của anh thêm lần nữa chứng minh ung thư là căn bịnh trầm kha mà con người đang đối phó. Lấy tâm linh mà nói thì bịnh nghiệp trên vai mỗi người mỗi gánh, vô thường mời gọi không chừa bỏ bất cứ ai, khác biệt chăng chuyện sớm- trễ, nặng-nhẹ mà thôi. Nhưng lấy thế nhân với những bước nhảy vọt của khoa học để nhìn thì ta biết nói sao đây khi số người tử vong vì ung thư hình như không lùi bước. Trách nhiệm bởi ai đây? Bởi căn nghiệp mạng phần cá nhân hay bởi cách hành xử của người nhân thế trong cuộc sống đời thường?

 Gát bên ngoài chuyện số phần, chúng ta hảy nhìn lại những gì chúng ta đang sống hôm nay để biết nó ảnh hưỡng thế nào đến sức khoẻ của mình. Văn minh tiến bộ đưa con người vượt không gian, thời gian ra khỏi bầu khí quyển, biến hoá thần sầu với tin học vi tính, những căn bịnh bị khống trị với nhiều phương pháp chữa trị vạn năng, máy móc tối tân thi nhau xuất hiện phục vụ đời sống con người…Nhưng, những chuyển đối đó như con dao hai lưỡi, dùng bề nào thì có tác dụng bề nấy. Máy móc, robot khiến con người gần cận những thứ làm suy tàn sức khoẻ, họ sống bớt nhọc nhằn nhưng lại sớm tiêu hao sinh khí khi đa số lúc nào cũng kè kè điện thoại di động cầm tay, khi thực phẩm bị biến chế bởi hoá chất độc hại lan tràn khắp chốn vì túi tham nhân loại, khi bầu không khí họ thở bị ô nhiễm bởi phế thải từ các nhà máy, khói xe…. Những sóng từ điện thoại, những hoá chất độc hại, và vi bụi li ti cùng những cách hành xử tự bản thân mỗi người đã mở đường cho bao nhiêu thứ bịnh đưa con người đến chổ hũy diệt, thương vong và ung thư là căn bịnh đang tiến triển mạnh nhất trong đời sống thế nhân hiện tại. Có nhiều loại ung thư tùy nơi vi trùng thành hình chiếm đóng trong cơ thể, nó đến âm thầm không báo trước, như một tên trộm lẽn vào nhà, ẩn nấp, rình rập chờ khi người yếu sức để xuất đầu lộ diện hoành hành. Nếy may mắn, chủ nhân phát hiện sớm để tống cổ “nó” ra ngoài thì họa hoằn sống sót, ngược lại thì chính “nó” sẽ ung dung đẩy người ra khỏi cuộc đời nầy.

Tôi ngồi đây, trong nỗi nhớ tiếc người đã ra đi, trong bàng hoàng sợ hãi viễn ảnh tai ương nhân loại và chợt nhớ câu Sinh, Lão, Bịnh, Tử của đức Như Lai mà thương anh, thương cuộc đời và thương cả chính bản thân mình. Tôi thấm thía hơn với những ai đang chọn đường tu. Tu hành  là gát bỏ những vật chất, ái dục của những bậc hành đạo thanh cao và tu tập cho nguời đời thường khi biết xem nhẹ những phù phiếm thế nhân, biết dừng lại những bon chen trong thế sự, biết câu tri túc để không tiêu hao tinh thần, sức khoẻ vì căn trần với hỉ, nộ, ái, ố giữa giòng chảy cuộc đời.. Nói nghe thì dễ nhưng tôi biết, thực hành khó vô cùng khi chúng ta đang nằm trong cuốn xoáy của cơn lốc khoa học, kỹ thuật mà dường như quên đi sự an lành trời đất cho ta từ thiên nhiên.

Sống chết như một giòng sông với hai bờ sanh, tử cách nhau bằng một sát na hơi thở, chúng ta rồi ai cũng có lúc tách bến sang bờ, chỉ chuyện sớm muộn, trước sau. Với ý nghĩa đó, bằng cái tâm con nhà Phật, tôi chân thành chia buồn cùng gia quyến anh bên kia trời Mỷ quốc và chấp tay niệm tiếng Di Đà đưa tiển anh, chúc anh tìm được an bình nơi cõi vĩnh hằng, không còn đớn đau vì bịnh, chẳng phải buồn vui theo thăng trầm của cuộc sống thế gian. Và trong vạn nẽo chúng sanh, nếu chưa tìm ra tỉnh giác, Phật há chẳng bảo bờ bên nầy hay bến bên kia suy cho cùng thì tất cả đều quy về một chữ KHÔNG, phải không anh?


                                               HUỲNH NGỌC NGA

                                         Torino, ITALIA – 15.3.20016

No comments:

Post a Comment