Phải chi tôi khóc được hay làm một cái gì đó trước tin
anh chết để tỏ sự đau đớn của tôi, của một người bạn viết chưa từng diện kiến,
đối lời. Nhưng tôi chỉ
nghe mình bất động, đông cứng ý, rỗng không đầu óc và miệng tôì thì lẫm bẫm “Chết
rồi sao? Mới đó mà. Chết rồi sao? Mau quá vậy?”.
Vâng, mau thật. Từ lúc chị Nguyên Hạnh Hoàng
thị Doãn gữi thư mail báo tin anh bịnh đền lúc cũng chính chị cho biết anh đã
vĩnh viễn ra đi chưa đến một tuần mà. Tôi mới viết thư động viên tinh thần anh
hai ngay qua và còn đang chờ hồi âm của anh như những lần tôi viết và anh luôn
tử tế trả lời. Vậy mà ông anh hiền lành của tôi, người bạn viết của bạn đọc Viên Giác giờ không
còn nữa, anh đã bỏ tất cả để đi khi tin yêu cuộc đời vẫn còn đó, nghiệp chữ
nghĩa vẫn còn kia.
…Ngày đó, cách đây hơi lâu, khoảng năm 2008,
khi quyển sách Những Cây Bút Nữ Viên Giác ra đời, tôi được dịp gặp gỡ tất cả
các chị em trong nhóm tác giả, chị Doãn là bà chị đầu đàn sau đó đã giới thiệu
qua mạng e-mail một người bạn thời Trung học của chị, hiện là một cây bút được
nhiều người biết đến trên diễn đàn truyền thông bên kia trời Mỹ quốc: nhà văn,
nhà bình luận, nhà sưu khảo Trần Bình Nam. Tôi không có cơ duyên cùng anh gặp gỡ
như cô bạn Hoa Lan khi anh du hành sang Đức trong chuyến viếng thăm châu Âu sau
đó nhưng tôi cũng như các bạn bút nữ trong nhóm vẫn thường xuyên nhận bài riêng
anh gữi qua thư điện tử. Mỗi lần như thế tôi đều viết hồi đáp cám ơn và thỉnh
thoảng có đôi lời đàm luận cùng anh, anh ưu ái trả lời tôi như một ngưòi anh tốt
bụng luôn hướng dẫn, giúp đỡ tận tình người em cần học hỏi. Thấy anh tử tế, tôi
nhiều lúc cũng gữi bài viết để chia sẻ chữ nghĩa cùng anh và thật bất ngờ, anh
đem các bài đó chuyển cho những tờ báo quen để giới thiệu.Vì thế bài viết của
tôi nhờ anh mà có bài đã được chu du trên các báo Việt bên Mỹ, tôi vui trong niềm
vui được “bay bỗng” đó đây, anh hỉ hạ lây với cái vui của người bạn xa chưa từng
biết mặt. Anh em tôi cứ như thế mà thư đi, tin lại trong phạm vi chữ nghĩa, văn
chương; những lần Tết đến thì thiệp chúc xuân ân cần trao đổi, anh ân cần không
những với tôi mà còn với tất cả những ai anh quen biết qua tờ báo Viên Giác tận
trời Âu nầy.